Skip to main content

Hải Phòng diễn tập phương án ‘3 tại chỗ’, ‘2 tại chỗ’, chủ động ứng phó dịch bệnh

Từ ngày 5/8, Công ty TNHH LG Display Việt Nam (KCN Tràng Duệ, Hải Phòng) bắt đầu thí điểm phương án “1 cung đường, 2 điểm đến“. 200 công nhân công ty được bố trí ăn nghỉ tại Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Lê Lợi, huyện An Dương, TP Hải Phòng), hàng ngày được xe đưa đón đến công ty làm việc. 200 chiếc lều tiện lợi được lắp đặt làm nơi nghỉ ngơi của công nhân, với đầy đủ chăn chiếu, đồ dùng sinh hoạt, quạt mát. Trong mỗi phòng được lắp thêm quạt hơi nước, tăng công suất wifi, nước sinh hoạt…. Suất ăn công nhân được nâng lên 50.000 đồng/bữa. Mỗi phòng diện tích khoảng 50m2 được lắp đặt 11 lều nghỉ của công nhân, trong đó, một nửa số công nhân làm ca ngày, một nửa làm ca đêm, nên số người tối đa trong mỗi phòng chỉ khoảng 5 – 7 người, đảm bảo tiêu chuẩn giãn cách theo khuyến cáo của Bộ Y tế.



“Về đây, cơ sở hạ tầng rất đảm bảo. Khi công ty triển khai phương châm phòng chống dịch này, cảm giác công ty mình tiên phong phòng chống dịch hiệu quả, đảm bảo. Trước khi về đây, từng cán bộ và mọi người đã được trao đổi về quy tắc phòng chống dịch; tôi và mọi người sẽ đảm bảo hoàn thiện tốt mọi kỷ cương, để sau 1 tuần trở về công ty“, ông Bùi Tuấn Sơn, Phòng Quản lý lao động, Công ty TNHH LG Display Việt Nam chia sẻ.

Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện An Dương, Hải Phòng) được chọn là nơi ăn nghỉ tập trung cho 200 công nhân Công ty TNHH LG Display Việt Nam trong thời gian thực hiện thí điểm phương án “1 cung đường, 2 tại chỗ”. 200 người được chọn tham gia thí điểm phương án “2 tại chỗ” của Công ty TNHH LG Display là những công nhân đại diện hoặc phụ trách các bộ phận trong công ty, với mục đích sẽ là những hạt nhân trong thực hiện phòng chống dịch tại các bộ phận của công ty, nếu không may xảy ra tình huống dịch bệnh xấu. Theo ông Hoàng Quốc Việt, Phó Giám đốc Sản xuất Công ty TNHH LG Display Việt Nam, phương án này đã thực hiện thành công tại Bắc Giang, Bắc Ninh trong các đợt dịch trước, nhưng khi áp dụng cho một số tỉnh thành phía Nam như Bình Dương, Bình Phước… thì gặp phải tình trạng kiểm soát không tốt. Vì vậy, trong đợt thí điểm này, Công ty TNHH LG Display Việt Nam đã rút kinh nghiệm kỹ trong cách thức thực hiện tại các địa phương và đưa ra phương án khả thi, hiệu quả nhất.



“Các bạn trước khi thí điểm được xét nghiệm PCR đảm bảo vào đây không nhiễm COVID-19. Trên xe, công nhân cố định chỗ ngồi, đo thân nhiệt. Khi xe vào khu tập trung đều được phun khử khuẩn; 2 ngày 1 lần, toàn bộ môi trường trong khu lưu trú sẽ phun khử khuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hàng ngày, có lực lượng tuần tra và nhóm đảm bảo sức khỏe đi từng phòng đo thân nhiệt, ghi lại hồ sơ thân nhiệt. Nếu có bất thường chúng tôi sẽ chuyển các bạn xuống phòng lưu trú tạm thời, sau đó, nhờ lực lượng y tế hỗ trợ kiểm soát hoặc đưa đi bệnh viện kịp thời, tránh việc để nguồn bệnh lây lan trong khu lưu trú”, ông Hoàng Quốc Việt cho biết.



Hàng ngày, công nhân được xe đưa đón đến công ty làm việc; sau ca làm sẽ trở về khu lưu trú tập trung.

Công ty Cổ phần thép Việt Nhật (Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cũng đã triển khai thí điểm phương án “3 tại chỗ“, với tình huống giả định có ca dương tính tại công ty. Công ty chuẩn bị 2 khu nhà ở cho công nhân, mỗi khu có diện tích 3.300 m2, bố trí chỗ ăn nghỉ tại chỗ cho khoảng 600 cán bộ, công nhân, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Phi, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Công ty Cổ phần thép Việt Nhật cho biết, ngoài thực hiện “3 tại chỗ” và các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt y như khi có F0 tại doanh nghiệp, công ty còn thiết lập “3 vòng an toàn” bảo vệ bộ phận trực tiếp sản xuất.



200 chiếc lều tiện lợi được lắp đặt làm nơi nghỉ ngơi của công nhân, với đầy đủ chăn chiếu, đồ dùng sinh hoạt, quạt mát

Đối với 1 doanh nghiệp sản xuất, lực lượng sản xuất là xương sống. Do vậy, đối với lực lượng này, chúng tôi đặc biệt quan tâm. Bộ phận này chúng tôi gần như cách ly với các bộ phận khác: sinh hoạt riêng, ăn nghỉ riêng. Và chúng tôi sẽ áp dụng theo từng vòng, phân biệt từng mầu. Bất kể ai vào cũng có thể nhìn thấy, có thể người này nhận biết bằng màu khẩu trang. Nhìn là biết đây là bộ phận sản xuất, kia là bộ phận kho, để chúng ta biết được và có biện pháp hạn chế tiếp xúc với vòng mà có nguy cơ lây nhiễm cao“, Ông Nguyễn Văn Phi nói.



Hải Phòng hiện có 13 khu công nghiệp, với gần 600 doanh nghiệp và trên 155 nghìn công nhân lao động. Đợt này, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng triển khai diễn tập phương án “3 tại chỗ”, ” 2 tại chỗ” đối với 3 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Thép Việt Nhật (Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền); Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (KCN VSIP) và Công ty TNHH LG Display (KCN Tràng Duệ), trong thời gian 7 ngày.

Khu vực nhà ăn tại khu lưu trú tập trung trường Tiểu học Lê Lợi.

Sau thời gian diễn tập, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ đánh giá cụ thể, rút kinh nghiệm và tiếp tục rà soát các doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”, cũng như xây dựng kịch bản nhằm chủ động các biện pháp phòng chống dịch cho các doanh nghiệp trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cùng với đó, TP. Hải Phòng cũng nỗ lực tìm kiếm các nguồn ʋαccine để ưu tiên tiêm cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất của thành phố.