Skip to main content

Người đàn ông quê Thái Bình 10 năm làm từ thiện, đứng bếp nấu cơm 0 đồng giữa mùa dịch

Anh Phạm Hữu Tình (SN 1984, quê Thái Bình) hiện đang kinh doanh chuỗi cửa hàng thời trang ở Sài Gòn. Ngoài công việc, anh còn chăm sóc 2 cô con gái nhỏ và tham gia làm từ thiện được hơn 10 năm.

Theo anh Tình, hoạt động nấu những suất cơm 0 đồng đã được anh và nhóm thực hiện gần một tháng nay. Trước khi bắt đầu công việc này, anh làm tình nguyện viên xét nghiệm và hỗ trợ tại các siêu thị.

Khu bếp của anh Tình và nhóm thiện nguyện nổi lửa cả ngày để nấu những suất ăn 0 đồng.

Nhìn những hộp cơm đẹp mắt và thao tác xào nấu chuyên nghiệp của anh Tình, ít ai nghĩ người đàn ông này chưa từng học về công việc làm bếp.



Anh Tình chia sẻ: “Từ khi một mình nuôi con, tôi tự nấu ăn và cảm thấy khá yêu thích việc nấu nướng. Tôi thường tìm hiểu các món ăn và thử nấu, sắp xếp, chụp hình lưu giữ làm kỷ niệm. Nhiều người bạn cũng thích thưởng thức món ăn do tôi làm”.

Bén duyên với công việc làm bếp vào thời điểm đặc biệt, anh Tình thấy mình khá may mắn khi vừa được làm công việc yêu thích, vừa có ý nghĩa xã hội.

Anh Phạm Hữu Tình đảm nhiệm vai trò bếp chính.

Nhóm tình nguyện hiện có gần 50 thành viên gồm 2 bếp chính, 2-3 bếp phụ, còn lại mọi người được phân chia các công việc theo dây chuyền. Công việc hậu cần được các tình nguyện viên khác tham gia gồm: mua nguyên liệu, nấu cơm, nhặt – rửa rau, đóng gói…



Ban đầu, nhóm dự định nấu khoảng 1000 suất/ngày, tuy nhiên số lượng đăng ký thực tế vượt lên đến 3000 – 3800 suất/ngày. Để đáp ứng tối đa nhu cầu, anh Tình và nhóm phải căng mình làm việc liên tục từ sáng đến tối.

Sau khi tiếp nhận số lượng suất ăn và khâu sơ chế, vào 6 giờ sáng, bếp bắt đầu đỏ lửa. Đến khoảng 9h30, các suất cơm, nước trái cây, nước uống được đóng gói cẩn thận, chờ vận chuyển.

Những hộp đồ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh sẽ được đưa đến tay những y, bác sĩ và người trong khu vực cách ly.

Anh Tình cho hay, kinh phí hoạt động của bếp nhận được từ các nhà hảo tâm, hội Doanh Nhân Trẻ TPHCM, hoa hậu, nghệ sĩ khác trên cả nước.



Nơi tiếp nhận những suất cơm đặc biệt này là đội truy vết và nhập dữ liệu F0, F1 ĐH Y Dược TP HCM; bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các quận 6, 8, Tân Bình, Bình Thạnh; Thành Đoàn; các khu cách ly công nhân nghèo ở quận 7, 12, Bình Thạnh; khu cách ly điều trị F0 quận 7, 10; đội phun khử khuẩn thành phố…

Với anh Tình, động lực để nấu hàng nghìn suất cơm 0 đồng chính là niềm hạnh phúc của mọi người. Anh Tình nhớ lại: “Khi nhận được cơm, tôi thấy bà con rất xúc động và hài lòng về sự chu đáo, cũng như chất lượng bữa ăn mà bếp đã tận tâm gửi gắm”.



Chuyến xe giúp đỡ lương thực cho người dân vùng dịch của câu lạc bộ do anh Hữu Tình sáng lập.

Không chỉ hỗ trợ cho các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, anh Tình còn tặng những hộp cơm còn lại cho người vô gia cư. Anh tâm sự: “Mỗi lần đưa cơm, hình ảnh người cụt tay, người mang bệnh, người nghèo, quần áo rách rưới lại khiến tôi cảm động. Mạnh mẽ là vậy nhưng tôi suýt rơi nước mắt, vì số cơm mang tới quá ít so với lượng người cần”.

Để có thời gian làm thiện nguyện, anh Tình phải đưa 2 con gái về TP Buôn Ma Thuột ở cùng mẹ để tránh dịch. Xa các con, hàng ngày anh Tình chỉ hỏi han qua những cuộc điện thoại ngắn ngủi. Tuy nhiên, anh tin tưởng, yên tâm khi các con nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ mẹ.



Kết thúc một ngày làm việc thiện nguyện, niềm vui của anh Tình là những suất cơm hợp khẩu vị với nhiều người. Những bữa ăn 0 đồng sẽ được anh tiếp tục làm cho đến khi hết dịch hoặc chỉ ngừng khi không còn sức khỏe.

Phương Nga

Ảnh: NVCC