Skip to main content

Thái Bình: Không chủ quan, lơ là trước diễn biến mới của dịch Covid-19

Tại Thái Bình, trong đợt dịch thứ tư, dịch đã xuất hiện ở cả cộng đồng, doanh nghiệp, bệnh viện khiến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh khó khăn, vất vả hơn. Không chủ quan, lơ là trước diễn biến mới của dịch, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và mỗi người dân trong tỉnh cần nâng cao ý thức trách nhiệm hơn nữa, chung sức đồng lòng cùng cả nước phòng, chống dịch.

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch ở đợt dịch lần này (tính từ ngày 23/6/2021) tại hội nghị trực tuyến triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 với các sở, ngành, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, ông Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Tuy vẫn là dịch xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh song mức độ, quy mô đã tăng hơn so với một số ổ dịch trước.



Dịch liên quan đến cả cơ sở y tế (Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa, Bệnh viện Đa khoa Phụ Dực), ở cộng đồng (một số địa phương ở Quỳnh Phụ, Đông Hưng, thành phố Thái Bình) và lần đầu tiên xảy ra ở doanh nghiệp. Các biện pháp phòng, chống dịch đã được triển khai kịp thời, hiệu quả và có sự phối hợp nhanh chóng, tích cực của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị.

Nhờ sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và sự chung sức của nhân dân, từ ngày 26/6 đến nay, Thái Bình chưa ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng, công tác cách ly, điều trị vẫn đang được thực hiện hiệu quả, chưa xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly, điều trị. Các khu vực phong tỏa, cách ly thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và hướng dẫn của ngành Y tế, tránh tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”; thực hiện tốt phòng tuyến 3 lớp (kiểm soát nghiêm ngặt lớp lõi – nơi có F0; giãn cách, quản lý chặt lớp thứ 2 và phòng ngừa mức độ cao ở lớp thứ 3).



Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ngành Y tế cũng chỉ ra một số vấn đề cần khắc phục, rút kinh nghiệm trong đợt dịch lần này. Đó là ý thức tự khai báo y tế của người dân khi đi từ các vùng có dịch về chưa tự giác, chưa đầy đủ và không kịp thời, có trường hợp còn không khai báo; việc tổ chức quản lý trường hợp nguy cơ của các địa phương chưa thường xuyên, còn lỏng lẻo. Một số tổ tự quản hoạt động chưa hiệu quả; chốt kiểm soát dịch vẫn để lọt xe chở khách đường dài đi từ vùng dịch về.

Một số bệnh viện còn để lọt người vào khám bệnh mà chưa khai báo y tế; chưa có phòng tiếp nhận khai báo y tế riêng cho người mắc bệnh hô hấp, nghi ngờ nhiễm Covid-19. Việc chuẩn bị các điều kiện phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ” ở một số địa phương chưa đạt yêu cầu, chưa đủ để đáp ứng cho tình huống xảy ra. Tại doanh nghiệp, việc chủ động kịch bản và phương án sẵn sàng cho phòng, chống dịch còn hạn chế, nhất là đối với các doanh nghiệp thuộc cụm công nghiệp huyện hay doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp.



Nhiều người dân không đeo khẩu trang khi bán hàng tại chợ tự phát xã Việt Hùng (Vũ Thư). Ảnh chụp ngày 8/7/2021

Ngoài những tồn tại, hạn chế đã được ngành Y tế nêu ra, có thể thấy, hiện nay ý thức của không ít người còn chủ quan, chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Ở những nơi tập trung đông người vẫn còn tình trạng người dân không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách; một số hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa bảo đảm khoảng cách bàn cách bàn 2m, người cách người 1m…

Thực tế đã cho thấy đợt dịch sau thường phức tạp hơn đợt dịch trước. Do đó, công tác phòng, chống dịch gặp khó khăn, vất vả hơn. Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Trước diễn biến mới của dịch, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Mỗi người đều nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch thì xã hội mới thực sự an toàn trước đại dịch, cùng chung tay để dịch bệnh sớm được đẩy lùi.



Như Hoàng