Skip to main content

Hết tiền đóng trọ, vợ chồng ôm hai con nhỏ ngủ lề đường giữa dịch

Hình ảnh bốn người trong một gia đình phải ngủ ở vỉa hè lúc nửa đêm, chiếc màn chụp chỉ đủ cho hai đứa trẻ nằm, được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người xót xa. Họ gồm anh Hạnh (58 tuổi), vợ là chị Bé Tư (34 tuổi), cùng mưu sinh bằng nghề lượm lặt ve chai và bán vé số. Anh Hạnh và vợ kết hôn được 3 năm, có với nhau hai người con. Cháu lớn được 14 tháng tuổi, bé thứ hai mới sinh hồi tháng 5.

Hơn một tháng nay, tối nào vợ chồng anh Hạnh cũng dắt hai con đi tìm chỗ ngủ ở khắp các ngõ ngách trong thành phố. Cứ chỗ nào sạch sẽ, cao ráo anh lại trải chiếu vợ con nằm, có thêm chiếc màn chụp để chống muỗi, đồ đạc cũng chẳng có gì nhiều, đựng trong túi nilon là đủ.



Vợ chồng anh Hạnh, chị Bé Tư nằm buộc phải ngủ trên đường. Ảnh: Phan Anh Đức.

Anh Hạnh cho biết, trước đây họ thuê nhà ở phường 13 (quận Bình Thạnh), hàng ngày đi bán vé số, lượm ve chai cũng đủ sống và đóng tiền trọ. Hồi tháng 5, chị Bé Tư sinh cháu thứ hai. Nhà có bao nhiêu tiền, anh gom sạch để đóng tiền viện phí nhưng vẫn không đủ, bệnh viện hiểu được hoàn cảnh nên cho khất nợ. “Các bác sĩ bảo cứ bế con về đi, sau có tiền thì quay lại đóng rồi lấy giấy chứng sinh cho con sau”, anh Hạnh kể.

Định bụng về nhà sẽ chăm chỉ đi bán vé số trả nợ thì dịch bệnh bùng phát, “cần câu cơm” cũng bị cấm, tiền ăn chẳng đủ, lại không kịp xoay xở để trả tiền trọ nên gia đình anh bị đuổi ra



Xót con mới sinh lại không có chỗ che mưa nắng, người đàn ông cũng tìm đến cửa chùa để xin tá túc, nhưng tất cả các chùa đều đóng cửa, không tiếp nhận Phật tử do quy định chống dịch đã gần 2 tháng nay. Lâm vào cảnh đường cùng, anh đành dắt vợ con lang thang ngoài đường từ đầu tháng 6.

Ban ngày anh tìm chỗ râm mát cho vợ con ngồi, rồi đi khắp ngõ ngách để tìm việc làm. Tối đến, cả gia đình lại trông chờ vào các suất cơm của mạnh thường quân phát cho người vô gia cư. Số tiền ít ỏi kiếm được lại để dành để mua sữa cho hai đứa nhỏ.

Chị Bé Tư bế con thứ hai được hơn 2 tháng tuổi. Ảnh: Phan Anh Đức.



Dịch bệnh chẳng mấy người ra đường, không ai mua vé số, cố gắng đi lượm ve chai cũng chẳng có, vợ chồng anh Hạnh không biết tương lai sẽ về đâu nếu dịch bệnh kéo dài. “Ngày trước lúc vợ mang bầu, tôi vẫn bế đứa con gần một tuổi đi bán vé số cùng. Nhiều người thấy thương bảo sao không để con ở nhà, nhưng vì hoàn cảnh mới phải đưa con đi. Tôi cũng muốn để con ở nhà nhưng như vậy lại không ai chăm, mà không đi làm thì không có tiền”, người đàn ông 58 tuổi thở dài.

Từ ngày phải đối diện với cảnh “màn trời chiếu đất”, vợ chồng anh Hạnh bữa đói bữa no, nhưng lo nhất là hai đứa nhỏ, nhưng cũng may cả hai con đều ngoan, không quấy khóc nhiều.



Thấy hoàn cảnh gia đình anh khó khăn, nhiều đoàn từ thiện vẫn đến phát cơm hộp, hôm thì cho bánh mì, bánh bao. Có lúc, gia đình lại được các mạnh thường quân ủng hộ 100.000 – 200.000 đồng. Tích góp được chút tiền, anh Hạnh lại mua cháo dinh dưỡng cho con, hôm lại được cải thiện thêm hộp sữa. Còn cháu thứ hai đang bú mẹ.

Nhìn hai đứa con đang ngủ ngon lành trong vòng tay vợ, anh Hạnh thở dài: “Đây chẳng phải lần đầu gia đình tôi bị đuổi ra khỏi nhà trọ. Trước đây vợ chồng tôi thuê nhà ở An Phú Đông, cũng bị đuổi mấy lần từ các đợt dịch trước vì cuộc sống khó khăn, chủ trọ lại không thông cảm. Nếu có hai vợ chồng thì ở đâu cũng được, nhưng giờ có con, nhìn chúng phải theo bố mẹ nay đây mai đó, cực quá”.



Khoảng một tuần trước, một mạnh thường quân tình cờ biết được câu chuyện của gia đình anh Hạnh nên đã trực tiếp liên hệ, tìm giúp một chỗ trọ, trả trước chi phí 4,2 triệu đồng. Người này còn tặng thêm 800 nghìn đồng để gia đình anh xoay xở trong mùa dịch. “Vợ chồng tôi rất biết ơn chị (mạnh thường quân chi trả tiền trọ – PV) vì giúp gia đình có chỗ trú mưa nắng, để các con tôi có một giấc ngủ yên. Ngoài ra, cũng có một số nhóm từ thiện cũng cho cơm hộp, sữa, lương thực để chúng tôi yên tâm trong thời điểm dịch bệnh”, anh Hạnh nói.

Vợ chồng anh đang bàn tính khi hết dịch chị Bé Tư buộc phải ở nhà để chăm sóc hai con. Còn anh Hạnh tiếp tục đi bán vé số, lượm ve chai để đóng tiền nhà và sớm trả đủ viện phí để lấy giấy chứng sinh cho con.



“Dịch bệnh đúng là chẳng ai mong muốn, TP HCM cũng không ít những hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi. Giờ chỉ mong cuộc sống sớm trở lại bình thường để có thể đi làm kiếm tiền”, anh Hạnh thở dài.