Skip to main content

Từ việc sẵn sàng lo tαng lễ đến hành trình vượt cõi cɦết ‘ƙhó tιn’ của cô gái Đà Lạt

Cô bé Nguyễn Thị Bảo Quyên, 16 tuổi, nằm trên giường bệnh, toàn thân sưng phù gần như không còn phân biệt được đâu là mặt là mũi. Ba tháng trước đó, Quyên thấy nách bên phải bị đau, sau đó xuất hiện một cục nhỏ, ho dai dẳng cả tháng. Cô khám ở quê nhưng không ra kết quả, cho đến ngày toàn thân bị phù nề, phải nhập viện gấp vì tràn dịch màng phổi phải xuyên đêm đưa xuống Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) cấp cứu.

Ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán cô bé người Đà Lạt này bị ung thư phổi giai đoạn cuối, song qua hàng chục xét nghiệm thì được xác định bị ung thư hạch bạch huyết (lymphoma T). Căn bệnh khiến các bác sĩ đầu ngành cũng thấy khó tin, vì vốn chỉ gặp ở người trung niên trở lên, nay ghi nhận trên một thiếu niên.



Chưa hết, bác sĩ còn phát hiện một khối u đường kính 10 cm trong phổi, chính nó chèn ép buộc Quyên phải ngồi ngay cả lúc ngủ. Xác suất thành công của ca mổ chỉ 50% nên gia đình chần chừ chưa dám quyết. Trong cơn thở yếu ớt, Quyên thều thào xin được về nhà. Người thân ở quê đã chuẩn bị hậu sự. Hôm đó là ngày 15/8.

Giữa lúc tuyệt vọng, tiếng chuông ở nhà thờ Huyện Sỹ cạnh bệnh viện vang lên. Mẹ Quyên, bà Đoàn Thị Vân và những người thân khác chạy đến quỳ dưới tượng đài Đức Mẹ, cùng cầu một phép màu đến với con gái đang ở tuổi đẹp nhất của đời người. Thật bất ngờ, sau những ngày uống thuốc cầm chừng, nước trong người Quyên bắt đầu đào thải. Cứ 5-10 phút cô đi vệ sinh một lần. Khối u phổi tan, chỉ để lại một vết sẹo. Quyên bắt đầu thở và nằm xuống ngủ được.



Lúc này, hành trình mới thực sự bắt đầu.

Ngày 5/9/2006, trong khi bạn bè nô nức trong tà áo dài trắng dự khai giảng lớp 11, Bảo Quyên chính thức bước vào hành trình điều trị theo hai phác đồ: lao phổi và ung thư bạch huyết.

Ngày đầu tiên vào “thuốc đỏ”, Quyên nhìn bình nước biển đang từ trắng hóa đỏ mà lạnh sống lưng. Chỉ sau 5 phút thuốc vào cơ thể, cô bé bắt đầu nôn liên tục. Sau đó là chuỗi ngày không ăn uống được gì, cuống họng lở loét không thể nói, người lúc nào cũng cáu bẳn. Quyên vẫn phải uống tổng cộng gần 30 viên thuốc mỗi ngày. Nhiều lần bà Vân phải nghiền thuốc để con nuốt được. “Mỗi lần nhớ lại cảm giác đó vẫn khiến mình nghẹn đắng cổ họng”, cô kể.



Song song “thuốc đỏ”, Quyên phải dùng “thuốc vàng”. Mỗi lần vào thuốc này là phải lấy tuỷ sống, chứ không được gây tê hay mê. Cô gái nằm cong như con tôm, để chiếc kim dài 10 cm đâm vào giữa hai đốt sống cho tủy chảy ra, sau đó bơm thuốc vào để tái tạo tuỷ. Kết thúc quá trình phải kê chân lên 5 cái gối, đầu thì dốc xuống cho thuốc lên não. Ba tiếng đó như cực hình, người nhức do thuốc, đầu đau vì bị dốc ngược, còn chân tê cứng vì treo trên cao. 

Đau đớn, cô bé vẫn luôn cắn răng chịu đựng vì thương mẹ và làm gương cho các bệnh nhi khác vì mình “già” nhất khoa Nhi. Có một lần Quyên không chịu nổi nữa, khóc tức tưởi. “Hôm đó mình bị lấy tủy tới lần thứ 5 mới thành công. Mỗi lần cái kim to đùng đâm vào cảm tưởng như bị hành hình, sợ và đau quá mức chịu đựng nên mình khóc. Sau khi lấy xong, tụi nhỏ lêu lêu lớn còn khóc nhè như mèo con”, Quyên nhớ lại.



Sau một tháng hóa trị, các bác sĩ lấy tủy để đánh giá. May mắn kết quả kiểm tra cho thấy Quyên có đáp ứng thuốc nên được về thăm nhà một tuần. Ngồi xe 8 tiếng về nhà, chưa bao giờ Quyên thấy Đà Lạt đẹp và yêu đến thế. Vừa về đến cổng, ông nội và chú thím đã nhào đến ôm chầm, mắt ai cũng đỏ au.

Quá trình hóa trị, khiến mái tóc thuôn dài của cô thiếu nữ rụng từng mảng. Nhìn đầu con chỉ còn lơ thơ vài sợi, bà Vân đành chở Quyên đi cạo đầu. Suốt quãng đường đi và về, cô con gái khóc dấm dứt sau lưng mẹ. Đội lên cho con một chiếc mũ mới tinh, bà động viên: “Chỉ cần con khỏe tóc sẽ nhanh mọc lại”.



Dù cố gắng lạc quan, nỗi buồn vẫn theo Quyên cả vào trong giấc ngủ. Cô mơ thấy người bố đã khuất. “Đầu bố cũng không có tóc giống mình. Bố đứng trước cửa phòng mình, chỉ lặng lẽ nhìn mà không nói. Mình bừng tỉnh và tin rằng bố đến để an tủi mình hãy mạnh mẽ lên”.

Trong một năm đầu Quyên hầu như ở bệnh viện để hóa trị. Sáu tháng tiếp theo, mỗi tháng sẽ vào một toa thuốc và nằm viện từ 5-7 ngày. Mười tám tháng tiếp theo nữa, cô uống thuốc và mỗi tháng xuống viện một lần theo dõi.

Quyên thấy bản thân may mắn vì được bác sĩ Bùi Trang Tước tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP HCM chữa trị. Sau khi cô hóa trị không lâu, có một đoàn chuyên gia của Bỉ đến thăm bệnh viện và thấy trường hợp của cô hiếm gặp đã đem tủy về xét nghiệm, kết quả vẫn là ung thư bạch huyết. Họ gửi sang một phác đồ điều trị trùng hợp với phác đồ bác sĩ Tước đang dùng cho cô.



Trong hành trình ba năm, số tiền xét nghiệm và chữa trị là gánh nặng vô cùng lớn với một gia đình đơn thân nuôi hai con. May mắn, cả đại gia đình nội ngoại cùng xúm vào mỗi người cho một ít. Anh trai Quyên chấp nhận nghỉ học, tiếp tục nghề giò chả để mẹ đi theo chăm em giành lại sự sống.

Các bác và chú ruột tháng nào cũng đi 300 km xuống viện thăm cháu. Hàng tuần các anh chị Quyên học và làm dưới Sài Gòn đều vào thăm, bóp tay bóp chân để em quên đi những cơn đau sau mỗi lần vào hoá chất. Quặn lòng nhất là mỗi lần hóa trị xong, mẹ đã cúi đôi lưng hao gầy bên giường bệnh để cõng con…



“Mình nhận ra bản thân đang được yêu thương vô điều kiện. Mình không đơn độc mà có cả đại gia đình cùng chống lại căn bệnh quái ác. Đó là động lực để mình luôn tự nhủ phải mạnh mẽ, lạc quan và tin rằng sẽ sống xứng đáng với những yêu thương đang nhận được”, cô bộc bạch.

Không muốn mình là người vô dụng, nên dù nằm giường bệnh Quyên cũng nỗ lực học tập và tốt nghiệp đại học với bằng giỏi.

Cuối năm 2009, Quyên kết thúc quá trình hóa trị và chuyển sang chế độ theo dõi định kỳ 6 tháng đến một năm. Kết quả gần nhất cuối năm 2020 cho thấy tế bào ung thư đã thoái lui và sức khỏe ổn định. Cô gái đang mong dịch sớm được kiểm soát để đi tái khám. Dịp này, cô sẽ chính thức đánh dấu mốc 15 năm sau khi phát hiện ung thư mà vẫn có cuộc sống bình thường.



Bảo Quyên kết hôn năm 2017 với một chàng trai đã đón nhận tình trạng sức khỏe để cùng cô đi hết đoạn đường còn lại. Sau cưới không lâu hai vợ chồng rời Sài Gòn về Đà Lạt sống để ở bên chăm sóc người mẹ sức khỏe không còn nhanh nhẹn như trước. “Được cho cơ hội sống, bản thân tôi luôn cố gắng sống trọn vẹn với giây phút hiện tại và bình an đón nhận mọi thứ”, cô gái 31 tuổi chia sẻ.