Skip to main content

Hà Nội: Nhiều người dân tìm cách ‘lách luật’ vi phạm quy định phòng, chống dịch

Chốt trực tại phố Cửa Bắc – Yên Phụ (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình).

Tăng cường chốt trực 24/24/7

Quận Long Biên đang duy trì 59 chốt khép kín địa bàn, đồng thời tăng cường nhiều lực lượng hỗ trợ cho các phường. Thượng tá Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng Công an quận Long Biên cho biết, vì địa bàn trải dài có cả tuyến đường bộ, đường sông, đường sắt, nên lực lượng phải dàn mỏng quân số, có nhiều cán bộ, chiến sĩ phải trực liên tục, không có ngày nghỉ.

Trung tá Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng Công an phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) cho biết, nhằm giám sát việc chấp hành thực hiện quy định phòng, chống dịch, phường đã lập hai chốt chặn trên phố Võ Thị Sáu và đường Trần Khát Chân, kiểm tra linh hoạt giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều khi người dân đi làm, không để ùn tắc đông người; đồng thời, kiểm tra những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.



Tương tự, huyện Gia Lâm đã lập 3 chốt cứng; các xã, thị trấn giáp ranh các tỉnh, thành lân cận cũng lập 90 chốt để rà soát người ra, vào theo nguyên tắc mở 1 lối vào, 1 lối ra ở tổ dân phố, thôn, bảo đảm kiểm soát 100% người qua lại.

Công an phường Sài Đồng (quận Long Biên) đang duy trì chốt trực, khép kín địa bàn 24/24/7.

Thượng tá Phạm Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Gia Lâm cho biết, Công an huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động, cho dừng xe ngẫu nhiên và yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị, lý do ra đường… Theo ông Vũ Văn Sinh ở tổ dân phố Ga, thị trấn Yên Viên, các chốt kiểm soát rất hữu ích trong việc ngăn chặn lây lan dịch trong cộng đồng. Bản thân ông cùng gia đình cũng nhắc nhở nhau tuân thủ nghiêm thực hiện giãn cách xã hội.



Thông tin từ Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thị xã Sơn Tây, thị xã đang kiểm soát 5 khu vực phong tỏa tại các phường. Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, toàn thị xã duy trì 124 chốt kiểm soát người đi lại trên địa bàn các xã, phường; 13 chốt kiểm soát y tế tại các khu phong tỏa; 30 tổ kiểm soát giám sát cách ly lưu động.

Lực lượng tại chốt kiểm soát xã Duyên Thái, huyện Thường Tín kiểm tra người ra đường.

Tại huyện Thường Tín, Chủ tịch UBND huyện Kiều Xuân Huy cho biết, huyện đã thành lập 9 chốt trực kiểm soát người và phương tiện tại 2 lối ra, vào huyện tại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và 7 bến khách ngang sông Hồng giáp tỉnh Hưng Yên. Ngoài ra, huyện đã thành lập 5 chốt kiểm soát trên đường quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến đường giao với các huyện Phú Xuyên, Thanh Oai, Thanh Trì; 21 chốt kiểm soát tại các tuyến đường liên thôn, liên xã do UBND xã quản lý và 58 tổ tuần tra lưu động. UBND huyện đã thành lập 3 đoàn kiểm tra các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, tổ chức kiểm tra được 20 doanh nghiệp.



Triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch, huyện Chương Mỹ đã thành lập 377 chốt kiểm soát tại các đường liên thôn, liên xã; trong đó có 133 chốt liên xã, 244 chốt liên thôn với tổng số 3.835 người tham gia. Thiếu tá Nguyễn Anh Dũng, Phó Trưởng Công an xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) cho biết, Công an xã đã làm nhiệm vụ tại 8 chốt trên địa bàn xã. Ngoài nhiệm vụ kiểm soát người ra, vào địa bàn, lực lượng còn hướng dẫn người dân ai có việc cần thiết phải ra ngoài thì đến UBND xã cấp giấy xác nhận.

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm soát tại chốt xã Yên Bình, huyện Thạch Thất.



Tương tự, huyện Thạch Thất đã tham gia kiểm soát tại 14 chốt kiểm soát tại cao tốc Láng Hòa Lạc, đường tỉnh lộ 446 – xã Yên Trung từ tỉnh Hòa Bình về Hà Nội; duy trì nghiêm 175 chốt cố định, 38 chốt lưu động ở 23 xã, thị trấn, trong đó có 13 chốt với huyện giáp ranh. Theo ông Nguyễn Giáp Dần, Bí thư Đảng ủy xã Yên Bình (huyện Thạch Thất), hiện nay, trên địa bàn xã có 3 chốt, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào. Người dân chấp hành tốt việc giãn cách xã hội, chỉ đi ra ngoài khi có việc cần thiết.

Vẫn còn hành vi “lách luật” để vi phạm

Khảo sát sáng 30-7 trên địa bàn phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) cho thấy, UBND phường đã lập 4 chốt kiểm tra xử lý vi phạm phòng, chống dịch ở các đường Nguyễn Thị Định, Hoàng Đạo Thúy, Trung Yên, Trần Duy Hưng và 1 tổ công tác tuần tra lưu động trên các tuyến phố.



Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa Nguyễn Hải cho biết, mặc dù tổ công tác ứng trực 24/24/7 nhưng vẫn gặp khó khăn khi kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp có giấy đi lại của đơn vị. Có nhiều người ra đường với lý do đi làm việc, công tác nhưng giấy đi đường mỗi nơi xác nhận không giống nhau, nơi có chữ ký nhưng không có dấu, nơi chỉ có chữ ký của tổ trưởng dân phố…, gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra.

Tổ công tác phòng, chống dịch phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) kiểm tra, xử lý người ra đường không rõ mục đích.

Tại địa bàn phường Trúc Bạch (quận Ba Đình), phường có 4 chốt cố định tại các điểm “cửa ngõ” ra, vào địa bàn và khu chợ. Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy cho biết, phường bố trí 8 tổ công tác lưu động tại 8 tổ dân phố và 1 chốt lưu động xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.



Tuy nhiên, tại chốt Cửa Bắc – Yên Phụ, anh Nguyễn Cát Tường, dân quân tự vệ tham gia trực chốt cho biết, khó khăn của tổ công tác là khi người dân vào địa bàn không xuất trình được giấy tờ theo quy định, trong đó, một số chưa phối hợp tốt với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, đưa ra nhiều lý do để chống đối, nên lực lượng chức năng phải tuyên truyền, vận động rất nhiều. Một số trường hợp khác đối phó bằng cách treo túi rau, túi gạo ở xe, lấy lý do đi chợ, nhưng khi tổ công tác kiểm tra thì họ từ địa bàn xa tới. Có trường hợp lấy lý do đi lấy thuốc ở bệnh viện, nhưng ngày ghi trên giấy khám bệnh đã quá lâu. Thậm chí, có người lấy lý do đi chợ để đi tập thể dục lúc sáng sớm và chiều muộn…



Lực lượng Công an huyện Gia Lâm dừng xe bất kỳ người đi đường để kiểm tra, nếu không có lý do đi lại chính đáng sẽ bị xử phạt hành chính.

Xuất phát từ tâm lý tìm lý do để “lách luật” nên số trường hợp bị xử lý vi phạm quy định về phòng, chống dịch trên địa bàn Hà Nội ngày càng nhiều. Cụ thể, từ ngày 24-7 đến nay, huyện Gia Lâm đã lập biên bản, xử phạt 107 trường hợp vi phạm, số tiền 187 triệu đồng. Từ ngày 29-7 đến trưa 30-7, quận Long Biên đã xử phạt 12 trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền 23 triệu đồng; 23 trường hợp ra ngoài không cần thiết, phạt tiền 39 triệu đồng. Thị xã Sơn Tây xử phạt 36 trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch, tổng số 50 triệu đồng. Huyện Thường Tín kiểm tra, xử phạt 93 trường hợp vi phạm, phạt tiền 175 triệu đồng. Huyện Thạch Thất xử phạt 698 triệu đồng với các trường hợp vi phạm…



Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Nhóm phóng viên