Skip to main content

Điều gì khiến dòng người lũ lượt ‘cưỡi’ xe máy chạy xuyên đêm về Tây Nguyên

Hàng trăm người dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về/qua Gia Lai sáng 27/7. Ảnh: Đình Văn

Sáng 27/7, phóng viên Tiền Phong có mặt tại Chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở cầu 110 (viết tắt Chốt 110, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai) cửa ngõ vào tỉnh Gia Lai, nơi giáp ranh tỉnh Đắk Lắk. Chốt này do Trung tá Nguyễn Minh Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT số 1 (Công an tỉnh Gia Lai) làm chốt trưởng.

Theo ghi nhận của PV, lúc 9h cùng ngày, người từ TP.HCM, Bình Dương đi xe máy về Gia Lai và các tỉnh miền Trung (Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh..), phía Bắc (Bắc Kạn, Cao Bằng…) rất đông.

Chủ tịch huyện Chư Pưh Lê Quang Thái cho biết, trung bình một ngày có khoảng 300 người Gia Lai về quê và 300 người các tỉnh khác đi ngang qua đây. “Tất cả được kiểm tra, khai báo y tế đầy đủ, không một xe máy lọt qua chốt. Những người đi xe máy được chốt 110 tiếp tế xăng, cơm, bánh mì, nước suối… tiếp tục hành trình”, ông Thái nói.



Trung tá Nguyễn Minh Tuấn cho biết, chốt 110 phân luồng hai khu vực, khu vực chứa người về tỉnh và khu vực dành riêng cho đoàn người ngang qua tỉnh. Tất cả người muốn vào, qua tỉnh đều phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19.

Tại chốt 110, rất nhiều người đi xe máy về các tỉnh Kon Tum, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Nghệ An… Họ cho biết, phải rời các vùng dịch vì nhà máy đóng cửa, thất nghiệp, tiền đã cạn và nỗi sợ nhiễm dịch COVID-19.

Vợ chồng anh A Su cùng con gái 18 tháng tuổi đèo nhau bằng xe máy từ Bình Dương về Kon Tum. Ảnh: Đình Văn

Anh A Su (SN 1999, người dân tộc thiểu số, trú huyện Sa Thầy, Kon Tum) chở vợ là Y Thơm (SN 2000) địu con gái 18 tháng tuổi, chạy một mạch 15h ngày 26/7 từ Bình Dương về chốt 110 (Gia Lai) lúc 8h sáng 27/7. Hai mắt đỏ hoe, anh nói chạy xuyên đêm, không ngủ. Anh Su vào Bình Dương làm công nhân may giày dép, lương tháng 7 triệu đồng. Vợ ở phòng trọ chăm con. Nhà máy đóng cửa 3 tháng nay, anh tìm việc khác mà không có, tiền hết. “Mình có nghe thông tin tỉnh thông báo, sẽ điều xe khách chở người dân vùng dịch về. Ngồi chờ hơn 2 tuần không thấy ai thông báo, hai vợ chồng không còn gì ăn nữa, quyết định lái xe về”, anh A Su ngậm ngùi.



Phạm Văn Quốc (SN 1999, quê Thừa Thiên Huế) chở một người bạn trên chiếc xe máy Future “cà tàng” từ TP.HCM về quê. Quốc làm công nhân may mặc, nhà máy bị phong tỏa, 2 tháng chưa được trả lương, thất nghiệp. Với nỗi lo sợ COVID-19, Quốc và bạn lái chiếc xe máy cũ nát về quê. “Chỉ có về quê mới tiếp tục sống qua ngày được. Tụi em chạy liên tục, ban đêm ngủ ngoài đường. Chạy thêm 1 ngày nữa (28/7) thì tụi em mới về được quê”, Quốc nói. Hỏi, sao không chờ xe của tỉnh nhà vào đón, Quốc nói, mình thanh niên, khó đến lượt, mà dịch COVID-19 lây lan dữ quá, buộc phải đi xe máy “tháo chạy”.

Tại Chốt 110, một thành viên của chốt nói với PV Tiền Phong, anh chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh éo le. Một thanh niên 20 tuổi (trú huyện Chư Pưh, Gia Lai) cùng người cậu lái xe máy về quê, gần đến tỉnh Gia Lai thì bị tai nạn ở huyện Ea Hleo (Đắk Lắk). Nguyên nhân do người này quá mệt, buồn ngủ nên tự gây tai nạn. Đội CSGT Chốt 110 phải điều xe, chở vào Trung tâm y tế huyện Chư Pưh điều trị. “Vết thương rách đầu, nguy cơ rạn nứt hộp sọ rất cao”, vị cán bộ này nói.



Ngoài ra, rất nhiều bố mẹ trẻ trốn dịch chở con nhỏ mấy tháng tuổi cùng về quê. Đến Chốt 110, nhiều đứa bé lả đi, kiệt sức, cán bộ chốt phải dùng xe công vụ đưa về Bệnh viện Nhi Gia Lai điều trị. Ở các vùng dịch, bệnh viện, khu phố bị phong tỏa, nhiều người đi xe máy về quê, chở thêm người thân bị ung thư cùng về. Cán bộ nhìn ai cũng nhói lòng.

Đến khoảng 10 sáng, hơn 300 người cùng xe máy được CSGT Gia Lai hộ tống đi về Bình Định (Quốc lộ 19) và sang tỉnh Kon Tum (Quốc lộ 14). Sau khi dừng đỗ ở Chốt 110 đổ xăng, ăn uống… hàng trăm người không quên vẫy tay chào cán bộ chốt ở đây.



Trung tá Nguyễn Minh Tuấn phát tiếng nói qua loa: “Chúc mọi người thượng lộ bình an, cam kết tuân thủ yêu cầu 5K, về quê an toàn”. Võ Ngọc Công Lý (SN 2003) nói: “Ở nhiều tỉnh khác, họ không cho dừng, bắt chạy thẳng. Ở Gia Lai, được hướng dẫn tận tình, hỗ trợ thức ăn, xăng, nước… tụi em thấy cán bộ rất gần gũi; chưa thấy trường hợp nào la hét, hỗ loạn, cãi cọ ở đây”.