Skip to main content

Doanh nhân Tây Ninh: Nỗ lực vượt khó, duy trì – khôi phục hoạt động sản xuất

Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, gây hậu quả nặng nề đến mọi mặt đời sống xã hội và kinh tế. Nỗ lực vực dậy hoạt động sản xuất – kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp đang là mục tiêu phấn đấu hàng đầu của các doanh nhân, doanh nghiệp. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10, người viết đã có cuộc trao đổi ngắn cùng một số doanh nhân trong tỉnh.

Sấy hạt điều. Ảnh: Huỳnh Long Tiến

Nhiều nỗi lo

Ông Đoàn Văn Lực – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Liên Anh cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid- 19 tác động tiêu cực đến các nền kinh tế trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng cao su trong nước và thị trường quốc tế giảm mạnh.



Quy định kiểm dịch Covid chặt chẽ nên việc chuyển phát nhanh bộ chứng từ, hồ sơ hoàn thành để thanh khoản các hợp đồng mua bán có độ trễ nhất định đã ảnh hưởng đến vòng quay dòng tiền, tăng chi phí lãi vay và giảm đáng kể hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chi phí nguyên vật liệu đầu vào ngày một tăng cao; sự thiếu hụt nhân công trong khai thác, vận chuyển mủ; cách làm chưa thống nhất trong phòng, chống dịch bệnh giữa các địa phương trong tỉnh… đã gây khó khăn cho ngành cao su.

 Trong lúc dịch bệnh lại nảy sinh tình trạng thiếu container rỗng trong khi chi phí lưu kho, lưu bãi, giá thuê container tăng vọt; chi phí vận chuyển, logistics tăng từ 2-4 lần so với trước khi có dịch, nên có thời điểm, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn, trì hoãn hoặc huỷ đơn hàng, khách hàng thay đổi chuỗi cung ứng.



“Dịch bệnh đã làm cho doanh nghiệp cùng lúc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong khi vẫn phải gánh chịu không ít khoản chi lớn như: lương công nhân, trả lãi vay ngân hàng, hoạt động thường xuyên, chi phí test sàng lọc SARS-CoV-2; các loại vật tư, hàng hoá, phụ tùng thay thế thường xuyên trong sản xuất đồng loạt tăng giá…

Các chi phí trên đã làm tăng giá thành sản xuất, giảm lợi nhuận của công ty. Dự đoán, năm 2021, việc thiếu hụt vốn, thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất, giá nhiên liệu liên tục tăng kéo theo chi phí vận chuyển, logistics sẽ tiếp tục tăng là khó khăn, thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, công ty sẽ nỗ lực vượt khó, duy trì hoạt động sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đã đề ra trong năm 2021”- ông Lực nói.



Ông Phan Trường An- Giám đốc chi nhánh HDBank Tây Ninh cho biết, ngành ngân hàng nói chung và HDBank Tây Ninh nói riêng chịu ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn gián tiếp khi dịch Covid-19 diễn ra trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phía Nam.

Khi Tây Ninh áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, ngân hàng rút gọn nhân sự hoạt động tại trụ sở, còn lại phải làm việc “3 tại chỗ”. Chi phí test Covid-19 tăng lên. Dịch bệnh gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của khách hàng, khiến nguồn thu trả nợ cho ngân hàng suy giảm, kéo theo doanh thu, lợi nhuận của ngân hàng giảm.

“Đến nay, tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Địa bàn Tây Ninh đang dần trở lại trạng thái “bình thường mới”. Ngân hàng và doanh nghiệp cũng đang thích nghi và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trở lại. Dự kiến kết quả kinh doanh năm 2021 đạt mức 85%-90% doanh thu được trụ sở chính giao”- ông An chia sẻ.



Ông Đỗ Văn Mẫn- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Điền (Châu Thành) cho biết, thời gian qua, hoạt động của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu sụt giảm trầm trọng. Lượng hàng hoá tồn kho nhiều, dẫn tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị năm nay đạt thấp.

Theo ông Mẫn, thời gian qua, việc vận chuyển hàng hoá, đi lại khó khăn, cước vận chuyển, hàng hoá nguyên liệu tăng… đã ảnh hưởng rất lớn tới việc kinh doanh và giao nhận hàng hoá, làm đơn vị không đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hoá và gây chậm trễ trong sản xuất mùa vụ cho khách hàng, nông dân.



Đáng chú ý là giá nguyên liệu tăng đột biến, trong khi giá nông sản rẻ (giá lúa dưới 5.000 đồng/kg, đậu xanh 4.000 đồng/kg, nhiều sản phẩm cây ăn trái, rau màu không tiêu thụ được) ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng là nông dân, đại lý bán lẻ… nên việc thu hồi nợ của đơn vị bị ảnh hưởng.

Dịch bệnh cũng gây ra tình trạng đáng quan ngại về lâu dài là nhiều doanh nghiệp, đơn vị mất nhân lực làm việc. Cho đến thời điểm hiện tại và sắp tới, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ còn đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất, kinh doanh.

“Trong thời gian tới, dư nợ của khách hàng sẽ tăng lên do tình hình sản xuất của nông dân gặp nhiều khó khăn. Nguyên liệu tăng càng khiến doanh nghiệp và nông dân lao đao. Trước tình hình này, đơn vị động viên nhân viên yên tâm lao động nhằm có đủ nhân lực tham gia phục hồi việc sản xuất – kinh doanh.



Đồng thời, đơn vị sẽ tích cực tư vấn cho các đại lý và nông dân chọn loại cây trồng và sử dụng phân bón phù hợp để giảm chi phí. Trong đó có việc sử dụng phân hữu cơ trong nước, phân chuồng…”- ông Mẫn cho biết.

Sản xuất hạt điều xuất khẩu ở Công ty TNHH Long Thái Hoà.

Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của nhà nước

Theo ông Đoàn Văn Lực, thích ứng với đại dịch Covid-19 sẽ là một trong những thách thức lớn cho doanh nghiệp. Để hạn chế những rủi ro, trước mắt, doanh nghiệp thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: ổn định lực lượng lao động hiện có để khôi phục sản xuất trong điều kiện, tình hình mới; tiếp tục vận động người lao động thực hiện thông điệp 5K, bảo đảm an toàn lao động; rà soát, tiết giảm các khoản chi phí gián tiếp thường xuyên, hạ chi phí giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.



Trong bối cảnh tiêu thụ hàng hoá lẫn nguồn vốn sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhằm duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới” sau dịch bệnh, doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước quan tâm, có các chính sách, hỗ trợ như: cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ; có các chính sách an sinh xã hội cho người lao động…

Đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lưu thông vận chuyển hàng hoá, nguyên liệu cho sản xuất như gỡ bỏ quy định về định kỳ xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các đối tượng (lái xe, phụ xe liên vận các địa phương) đã tiêm 2 mũi vaccine nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá kịp thời.



Theo bà Trần Thị Đoan Trang- Giám đốc Công ty TNHH Long Thái Hoà (sản xuất sản phẩm xuất khẩu từ hạt điều), để thích ứng với tình hình dịch Covid-19 có khả năng kéo dài trong thời gian tới, doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị, điều chỉnh nội bộ như: tách biệt từng khu sản xuất trong công ty (khu phân loại, khu tách nhân, khu vực sản xuất gạch, văn phòng, bảo vệ) nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Công nhân được bố trí ngồi cách nhau 2m, bắt buộc mang khẩu trang, bảo đảm thực hiện 5K…

Về phía Nhà nước, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho công nhân và người dân; xem xét lại mức lãi suất cho vay của các ngân hàng trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19; có cơ chế linh hoạt về các khoản vay có thể chuyển từ ngắn hạn qua trung hạn để doanh nghiệp có đủ thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh; xem xét giảm mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và mức đóng BHXH trong thời gian diễn ra dịch bệnh để giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp; xem xét giảm giá điện sản xuất cho các doanh nghiệp; giảm bớt các thủ tục hành chính để tiền hỗ trợ đến tay người lao động nhanh nhất.



Bảo Tâm