Skip to main content

Bình Dương hành động thiết thực chăm lo cho người lao động ở lại tỉnh

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để công nhân lao động thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16, theo tinh thần “Ai ở đâu ở đấy“, không di chuyển ra khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7 cho đến khi hết thời giãn cách, tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều kế hoạch thiết thực chăm lo cho người lao động ở lại tỉnh.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương phối hợp với các sở, ngành triển khai chi hỗ trợ cho đối tượng công nhân đang ở trọ bị mất việc tại phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

An tâm ở lại

Nhiều người lao động ở trọ tại Bình Dương cho biết sẽ không về quê tránh dịch, yên tâm ở lại. Chị Nguyễn Thị Mai Anh, làm việc tại Khu công nghiệp Đại Đăng, thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương), quê ở Bình Thuận, đang thuê nhà trọ trên địa bàn phường Phú Mỹ chia sẻ, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, vợ chồng chị dự tính về quê chờ dịch bệnh qua đi sẽ quay trở lại Bình Dương làm việc.



Những ngày qua, từ những thông tin tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và Công đoàn Công ty, chị hiểu được nếu về quê lúc này rất có thể mang theo mầm bệnh trong người, nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người thân. Trong khi đó, ở lại có gặp khó khăn chị được các cấp chính quyền, đoàn thể hỗ trợ nhu yếu phẩm và được tiêm vaccine phòng COVID-19…

Do vậy, vợ chồng chị đã quyết định ở lại, tuân thủ tốt các quy định phòng, chống dịch bệnh tại nơi cư trú và chờ ngày Công ty thông báo đi làm trở lại.

“Những ngày qua, vợ chồng tôi được cán bộ khu phố phát 10kg gạo, rau củ quả tươi sạch và phát phiếu đi chợ 2 lần/tuần để đi mua nhu yếu phẩm cần thiết… Vợ chồng tôi rất an tâm khi ở lại”– chị Mai Anh chia sẻ.



Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, hiện có khoảng 500.000 công nhân lao động ở lại Bình Dương. Các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể và Liên đoàn Lao động tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch chăm lo công nhân lao động, đặc biệt là những công nhân lao động ở các khu vực bị phong tỏa, cách ly.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã thống nhất các chính sách đối với toàn bộ công nhân, người lao động không về quê mà ở lại Bình Dương trong thời gian giãn cách xã hội, phòng chống dịch COVID-19 sẽ được tiêm ʋαccιпe, hỗ trợ tiền nhà trọ và nhu yếu phẩm.

Liên đoàn Lao động tỉnh đã gửi các văn bản chỉ đạo Công đoàn các cấp, Tổ an toàn COVID-19 tại các doanh nghiệp để triển khai tuyên truyền, vận động công nhân lao động trong đơn vị, công ty thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc, nơi cư trú, không rời khỏi nơi cư trú để về quê tránh dịch. Các hình thức tuyên truyền phong phú, trực tiếp, chia sẻ qua mạng xã hội (Facebook, nhóm Zalo công đoàn) đã góp phần lan tỏa những thông tin về phòng, chống dịch, kế hoạch tiêm vaccine cho toàn người dân, người lao động, kể cả người lao động tạm trú.



Đồng thời, Công đoàn các cấp triển khai nhiều hoạt động chăm lo đời sống để công nhân lao động an tâm, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch và không di chuyển khỏi nơi cư trú để bảo đảm an toàn sức khỏe cho chính mình, người thân và cộng đồng.

Các cấp Công đoàn đã thông tin, chia sẻ số điện thoại đường dây “nóng” 1022 (gọi di động 0274.1022) của tỉnh và của Công đoàn Bình Dương (0889.287.287) để được hỗ trợ công nhân lao động kịp thời.

Cùng với đó, Liên đoàn Lao động tỉnh và các cấp Công đoàn đã liên tục tổ chức các chuyến xe nghĩa tình, trao hỗ trợ cho người lao động khó khăn trong các khu cách ly, phong tỏa bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.



Đến nay, gần 150.000 tấn hàng hóa nhu yếu phẩm đã được chuyển đến người lao động.

Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ 6.230 người là công nhân, người lao động bị ảnh hưởng, liên quan đến dịch COVID-19 với số tiền trên 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Công đoàn. Những ngày tới, khi tiếp nhận được quà từ các đơn vị tài trợ, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các chuyến xe nghĩa tình để kịp thời hỗ trợ công nhân.

Nhiều hoạt động chăm lo thiết thực

Được sự đồng ý của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, hiện nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đang phối hợp với các sở, ngành gấp rút chuẩn bị triển khai chi hỗ trợ cho đối tượng công nhân đang ở trọ bị mất việc, ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.



Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương hỗ trợ nhu yếu phẩm cho công nhân, người lao động bị ảnh hưởng, liên quan đến COVID-19. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết, nhằm góp phần động viên công nhân, người lao động đang bị mất việc, ngừng việc ở các khu trọ an tâm, từ đó chấp hành tốt Chỉ thị 16 và chung sức cùng tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, mỗi lao động đang ở trọ sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng, gồm một phần quà là các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày trị giá 300.000 đồng và tiền mặt.

Hiện Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đang tập trung triển khai để nhanh chóng trao quà hỗ trợ đến tận tay những người thuộc diện được hỗ trợ tại các khu nhà trọ.



Dự kiến, đợt này tỉnh sẽ chi hỗ trợ cho khoảng 500.000 lao động đang ở trọ trên địa bàn với tổng số tiền khoảng 260 tỷ đồng.

Để chia sẻ khó khăn với công nhân, người lao động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Thủ Dầu Một đã kêu gọi 848 chủ nhà trọ với gần 9.800 phòng miễn, giảm tiền thuê trên 4 tỷ đồng cho các công nhân lao động khó khăn.

Theo ước tính, toàn tỉnh có hơn 40.000 người bán vé số, người không có hợp động lao động gặp khó khăn trong đợt dịch bệnh thứ 4. Hầu hết là những người từ các tỉnh khác đến lập nghiệp, thuê nhà trọ sinh sống.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, đến nay số đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động trên địa bàn được hỗ trợ là 20.722 người, số tiền đã giải ngân gần 32 tỷ đồng (đạt 51,3% kế hoạch. Việc hỗ trợ những người hành nghề bán vé số trên địa bàn cơ bản hoàn tất.



Về chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,14.359 đơn vị được giảm với hơn 1 triệu lao động được giảm, tổng số tiền giảm mức đóng 12 tháng (từ 1/7/2021 – 30/6/2022) ước tính trên 393 tỷ đồng.

Hiện nay, nhóm doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” có rất đông lao động không tham gia được do vướng bận gia đình. Người lao động không thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, đồng nghĩa với việc họ bị nghỉ việc do dịch bệnh nhưng lại không thuộc nhóm lao động ở công ty phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước. Trong khi đó, số lượng lao động bị ảnh hưởng này rất lớn.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, 1.041 doanh nghiệp (tổng số 405.000 lao động) có tổ chức Công đoàn cơ sở thực hiện phương án 3 tại chỗ nhưng chỉ có 188.000 lao động vào nhà máy làm việc; hơn 210.000 lao động nghỉ việc ở nhà. Thực tế, họ là lao động bị ngừng việc do dịch bệnh nhưng không đáp ứng được điều kiện nhóm 4 trong Nghị quyết 68.



Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, đơn vị đã phát hiện ra những bất cập trên trong thực hiện Nghị quyết 68.

Ông Tuyên nhận định, nếu căn cứ trong điều kiện này, sẽ rất ít lao động nhóm 4 (hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ hộ kinh doanh tại Bình Dương) nhận được chính sách hỗ trợ kịp thời.

Sở đang rà soát các trường hợp này để kiến nghị lên Trung ương. Đến thời điểm này, nhóm 4 chưa phát sinh hồ sơ đề nghị hỗ trợ, chưa có doanh nghiệp nào làm hồ sơ cho người lao động hưởng hỗ trợ.