Skip to main content

Sau công điện của chính phủ, dân vẫn kéo nhau về quê: ‘Không gượng được rồi, về nhà thôi’

“Không gượng được rồi, về nhà thôi”

Khoảng 8h, phát hiện tốp 5 thiếu niên đi bộ trên cầu Sêrêpốk (cầu 14) hướng từ Đắk Nông sang Đắk Lắk, một cảnh sát giao thông yêu cầu dừng lại hỏi. Một em trong đoàn nói làm thuê ở Đắk Nông, hết việc nhưng vì dịch không có xe nên cả nhóm đành đi bộ về nhà ở Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum.

Nhóm thiếu niên đi bộ trên cầu 14 – Ảnh: TRUNG TÂN

Sau khi khai báo y tế tại chốt kiểm dịch cầu 14, nhóm thiếu niên này được yêu cầu ngồi chờ, chốt sẽ kiểm tra y tế rồi liên hệ xe cho về nhà.

“Mấy ngày nay, người về rất đông, mỗi ngày hàng ngàn người. Từ tối qua đến nay, sau khi Thủ tướng có công điện, dòng người về cũng khá nhiều”, một cán bộ tại chốt kiểm soát cầu 14 cho biết.



Một “trạm” tiếp tế đồ ăn tại xã Cuôr Đăng, Cư M’gar, Đắk Lắk – Ảnh: TRUNG TÂN

Hòa chung với hàng ngàn người đang ở “trạm dừng chân” cầu 110 (giữa Gia Lai và Đắk Lắk), anh Và Bá Cử (37 tuổi, quê Tương Dương, Nghệ An) cho biết mấy tháng trước cả gia đình 4 người dắt díu nhau vào Bình Dương làm công nhân cạo mủ cao su.

“Gắng gượng lắm rồi, không chịu nổi nữa, về nhà thôi”, quẹt đôi mắt đỏ hoe vì chạy cả đêm, anh Cử nói.

Nhóm thanh niên ở Ea H’leo giúp người dân dọc đường – Ảnh: TRUNG TÂN

Chúng tôi đi trong vội vã, không dám ghé vào khu dân cư nào, ăn ngủ cũng tạm bợ ở những nơi vắng vẻ. Thế nhưng người dân dọc đường họ vẫn không lo sợ, hắt hủi chúng tôi, họ mời mọc ân cần, ấm lòng lắm.



Anh Nguyễn Anh Dũng (quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An)

Thấy dân khổ, không đành ngồi im

Tại xã Ea Nam, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk), anh Hồ Văn Đại cùng nhóm bạn góp tiền mua bánh mì, nước uống, áo mưa, khẩu trang để phát cho những người dân trên đường về quê.

“Tụi mình thấy người dân khổ quá, chẳng có chỗ nào dừng chân để mua đồ ăn, thức uống… nên giúp được người nào hay người ấy”, Đại chia sẻ.

Hàng ngàn người được Gia Lai tiếp đón, hộ tống – Ảnh: TRUNG TÂN

Hình ảnh nhóm của Đại không hiếm suốt dọc quốc lộ 14 kéo dài từ Đắk Nông về Gia Lai.

Nếu thanh niên ở Đắk Mil (Đắk Nông) đội mưa để tiếp tế người đi trên đường, thì bà con ở thị trấn Ea Đrăng (Ea H’leo, Đắk Lắk) cùng nhau nấu cơm đứng chờ bên đường cho người về quê.



Đặc biệt, tại chân cầu 110, trên địa phận tỉnh Gia Lai, có luôn một “điểm dừng chân” cho hàng ngàn người.

Không để dân phải vạ vật dọc đường, lực lượng đoàn viên thanh niên, công an, y tế ở địa phương căng mình 24/24h giữa cái nắng thiêu đốt, xen lẫn vài trận mưa rào bất chợt, để hỗ trợ người dân.

Trung tá Nguyễn Minh Tuấn – phó đội trưởng đội 1 Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Gia Lai – cho biết những người đi ngang Gia Lai sẽ được dừng lại nghỉ ngơi, khi đủ số lượng, cảnh sát giao thông sẽ dẫn đoàn bàn giao cho tỉnh Kon Tum.

“Lệnh Thủ tướng là vậy nhưng giờ dân dồn về đây, không lo ăn uống, nghỉ ngơi, hộ tống đoàn thì biết làm sao. Buộc dân quay lại thì không được, bỏ dân vạ vật thì không đành, hơn nữa tăng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng”, một cán bộ tại chốt kiểm soát này tâm sự.



Lực lượng tình nguyện tại chốt làm việc không ngưng nghỉ – Ảnh: TRUNG TÂN

Người dân Gia Lai sau khi được test nhanh được gọi lên ô tô đưa đi cách ly – Ảnh: TRUNG TÂN

Người dân chờ đợi để đi cách ly tập trung tại Gia Lai – Ảnh: TRUNG TÂN

Người dân các tỉnh phía Bắc chờ đến lượt được Gia Lai hộ tống qua tỉnh – Ảnh: TRUNG TÂN

Người dân Gia Lai được hướng dẫn đi đăng ký biển số xe để sau khi hết cách ly tập trung đến địa phương nhận lại tài sản – Ảnh: TRUNG TÂN



Một người phụ nữ vừa nhận áo mưa miễn phí đã nhanh chóng ngủ thiếp đi vì quá mệt – Ảnh: TRUNG TÂN